Bộ Thông tin và Truyền thông - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Vì sao người dân không ngồi nhà làm thủ tục?!

28/12/2022 - 2236 lượt xem
Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Mặc dù vậy, sự bất tiện, khó dùng của các dịch vụ công trực tuyến khiến người dân không mấy mặn mà.

Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, cả nước chỉ có 26 giấy phép lái xe được đổi qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong khi đó, toàn bộ 63 Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện đổi giấy phép lái xe dịch vụ công cấp độ 4 từ ngày 31/5/2022.

Lý do người dân “không chịu” ngồi nhà làm thủ tục đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia là bởi việc thực hiện đăng ký phải trải qua nhiều bước như: Truy cập cổng dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động; tra cứu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; tra cứu dữ liệu sức khỏe; thanh toán trực tuyến…

Quy trình thực hiện cũng không đơn giản! Đầu tiên, nhiều người không thể đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia do số chứng minh thư hoặc số căn cước công dân khi đăng ký tài khoản dịch vụ công không trùng với số đã đăng ký sử dụng điện thoại di động, khi đi khám sức khỏe, khi cấp giấy phép lái xe.

Hơn nữa, để có giấy khám sức khỏe điện tử, người dân sau khi đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế phải đến UBND cấp xã chứng thực điện tử, được trả kết quả trong 5 ngày và mất thêm phí chứng thực.

Và khi sử dụng dịch vụ, công dân phải thanh toán trực tiếp lệ phí đổi giấy phép lái xe vào kho bạc, trong trường hợp đăng ký không thành công (do hồ sơ chưa hợp lệ) việc hoàn trả lại tiền sẽ mất rất nhiều thời gian…

Những dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp thường được đón nhận nhiều hơn so với những dịch vụ công trực tuyến dành cho người dân. Lý do là doanh nghiệp đã quen với các thiết bị công nghệ, với các dịch vụ trên mạng Internet nên họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hơn.

Vậy nhưng, một cuộc khảo sát về thực trạng thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thực hiện cho thấy dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự thuận tiện, chất lượng dịch vụ đang “có vấn đề”.

Cụ thể, trong số gần 900 doanh nghiệp tham gia cung cấp thông tin thì có 30% doanh nghiệp cho biết, việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính trên mạng thường không có phản hồi, 17% doanh nghiệp bị từ chối không rõ lý do. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện trên nhiều trang khác nhau mới hoàn thành thủ tục (11%), hoặc không thanh toán trực tuyến được hoặc văn bản số không được chấp nhận (7%).

Chủ trì Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%.

Để đạt mục tiêu này, một mặt phải giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến. Mặt khác - chắc chắn quan trọng hơn – đó là phải cải thiện chất lượng quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng đơn giản, dễ làm, dễ thao tác và có phản hồi đầy đủ. Như vậy mới thu hút được người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Nguồn Báo mới

Các tin tức khác

news4
Tổng quan hoạt động chuyển đổi số năm 2022 trong Hạ tầng số
Xem chi tiết
news4
CĐS ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu để thích ứng với tình hình mới
Xem chi tiết
news4
Truyền thông thương hiệu, sản phẩm hiệu quả với dịch vụ trưng bày triển lãm
Xem chi tiết