Bộ Thông tin và Truyền thông - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Phát huy thật hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp

28/12/2022 - 1748 lượt xem

Phát huy thật hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 22/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, công bố vận hành chính thức hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân từ ngày 1/7/2021. Hội nghị do Bộ Công an tổ chức.

Cùng dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc công bố chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng chia sẻ thêm, đây cũng là một dự án đầu tư công quy mô lớn, khó khăn, phức tạp, tiến hành và đưa vào sử dụng hiệu quả trong thời gian ngắn, để lại bài học quý về khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư công, tránh dàn trải, tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ xứng đáng nhất trong lúc đất nước còn khó khăn, cùng với đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Thủ tướng cũng nhắc tới sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân cho thấy hai dự án hợp lòng dân, “nhiều người dân xếp hàng, thức đêm để làm căn cước công dân”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã xác định: “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân…”.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Luật Căn cước công dân năm 2014 của Quốc hội, trên cơ sở nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công an đã nỗ lực, huy động, phát huy trí tuệ và sức mạnh trong và ngoài ngành; triển khai quyết liệt, tích cực, sáng tạo, hiệu quả hai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Trong đó phải kể đến sự chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công an; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành, tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và sự ủng hộ tích cực của nhân dân cả nước.

Phát huy thật hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, triển khai hai dự án. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Biến khó khăn, phức tạp, thách thức thành động lực để phấn đấu, trưởng thành

Đến nay, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành bước đầu theo tiến độ xây dựng, triển khai hai Dự án. Đã xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh, an toàn, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí"; vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh, vừa làm vừa giám sát, kiểm tra, thanh quyết toán, tránh lãng phí, tiêu cực; đây cũng là những kinh nghiệm rất hay, cần tổng kết để thúc đẩy đầu tư công trong thời gian tới. Đã cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư và làm sạch đạt 96,6%, đồng thời đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc. Đã thu nhận hồ sơ để cấp hơn 52 triệu thẻ căn cước. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, cũng góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, an toàn, an dân.

Đặt trong bối cảnh có nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 tác động và lực lượng Công an cùng lúc phải triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách khác, nhất là phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, những kết quả của hai Dự án càng có ý nghĩa hơn, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của lực lượng Công an nhân dân trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. “Chúng ta càng thấy rõ, thấm thía bài học kinh nghiệm là phải biến khó khăn, phức tạp, thách thức thành động lực để phấn đấu, khẳng định, hoàn thành và trưởng thành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát huy thật hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu xác thực điện tử, kích hoạt vận hành chính thức hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương; sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của các doanh nghiệp công nghệ thông tin vào các dự án, góp phần xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình xây dựng, triển khai hai Dự án vẫn còn những khó khăn, hạn chế, còn nhiều việc phải làm. Thủ tướng chia sẻ và mong các cơ quan liên quan quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn để tiếp tục triển khai dự án ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Công an đã đúc rút 6 bài học kinh nghiệm, nhất là những bài học về sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; sự thống nhất về nhận thức từ Trung ương tới cơ sở; bài học về sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong và ngoài ngành; bài học về phát huy tinh thần sáng tạo, đột phá trong tìm tòi các giải pháp, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đây là những bài học quan trọng để các bộ, ngành khác tham khảo trong việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như đất đai, hộ tịch, công chức viên chức...

“Cần làm sâu sắc hơn bài học về lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và bài học tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình. Đây là tư tưởng chỉ đạo lớn của Đảng mà các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải quán triệt, thực hiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên so với khu vực và thế giới

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả”. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: “Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực”.

Phát huy thật hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan khu vực trưng bày các trang thiết bị phục vụ Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là những nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng thách thức phía trước còn nhiều. Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện được các mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; với một số quan điểm, định hướng.

Một là, kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên ở một số lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số, so với khu vực và thế giới.

Hai là, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, làm chủ công nghệ; huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và phát triển. Phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh, đồng thời tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn.

Ba là, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời phải bám sát tình hình thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá. Nghiêm túc thực hiện các quy định, nhưng có vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện thực tiễn cụ thể. Cái gì đã chín, đã rõ được thực hiện có hiệu quả, được thực tế chứng minh là đúng, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Cái gì chưa có quy định, hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội.

Bốn là, sử dụng tài nguyên dữ liệu một cách thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ thực hiện công tác quản lý con người, an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm mà còn phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác, như hiện nay là kịp thời phục vụ cho công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Dữ liệu là tài nguyên, nhưng khác với tài nguyên truyền thống, tài nguyên dữ liệu càng được khai thác, sử dụng nhiều thì không bị mất đi mà ngược lại, càng tạo ra giá trị.

Năm là, phải đoàn kết, thống nhất cao, siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Bên cạnh đó, khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Sáu là, vừa làm vừa rút kinh nghiệm những mô hình hay, cách làm tốt, khẩn trương nhân rộng, bổ sung vào lý luận; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ đồng thuận của quần chúng nhân dân và của xã hội.

Phát huy thật hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu nghe giới thiệu về Hệ thống điều hành cơ sở dữ liệu dân cư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáp ứng mong mỏi của Đảng, Nhà nước, sự trông đợi và kỳ vọng của nhân dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, việc xây dựng hệ thống thành công mới chỉ là bước đầu, đưa cơ sở dữ liệu này đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả thật tốt, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật mới là điều mong mỏi của Đảng, Nhà nước; sự trông đợi và kỳ vọng của xã hội và toàn thể nhân dân.

Thủ tướng cơ bản nhất trí với những kiến nghị và các nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Công an, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm để nghiên cứu thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương trong xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai dự án.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; bảo đảm dữ liệu chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan. Đồng thời, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống dịch COVID-19, tránh tình trạng “cát cứ” thông tin, cơ sở dữ liệu.

Thủ tướng lưu ý, cần thường xuyên rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm kế thừa, kết nối, chia sẻ, dùng chung, không trùng lắp, tiết kiệm, hiệu quả; những nội dung nào trong Cơ sở dữ liệu dân cư đã có mà có thể chia sẻ được thì các bộ ngành khai thác, tận dụng, không phải đầu tư mới.

Thứ tư, nghiên cứu, triển khai ứng dụng để khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ phục vụ nhu cầu quản lý của lực lượng Công an, mà còn phục vụ các mặt công tác quản lý Nhà nước và phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu kỹ, xây dựng quy định về phí, lệ phí khai thác để phù hợp với thực tiễn, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm duy trì hoạt động của Cơ sở này một cách bền vững, lâu dài.

Thứ năm, khen thưởng xứng đáng những tập thể, cá nhân có  thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đồng thời xử lý nghiêm minh đối với những sai phạm.

Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến các tầng lớp nhân dân để nhân dân hiểu rõ những tiện ích Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân mang lại, để người dân tích cực tham gia quá trình xây dựng, duy trì các Cơ sở dữ liệu quan trọng này.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các cấp các ngành trong xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý Căn cước công dân sẽ được người dân và doanh nghiệp đón nhận tích cực, hưởng ứng ủng hộ và quan tâm giúp đỡ. Thủ tướng mong muốn toàn thể lực lượng Công an nhân dân tiếp tục nêu cao phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Chiến dịch thần tốc, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Theo báo cáo của Bộ Công an, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án (tháng 3/2020 với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tháng 9/2020 với dự án thẻ căn cước), Bộ Công an đã xác định đây là một “chiến dịch”, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng, 2 dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đồng thời, đây cũng là 2 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã đặt ra nhiều thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt, sáng tạo mới có thể hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Theo Bộ Công an, việc thực hiện 2 dự án đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực công tác:

Đó là bài học về xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của 2 dự án, từ đó xác lập cơ chế chỉ huy, chỉ đạo triển khai thực hiện tương xứng từ Trung ương tới cơ sở.

Đồng thời quyết liệt, sâu sát, sáng tạo, bản lĩnh, đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án để giải quyết nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bài học về sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân trong tổ chức thực hiện.

Bài học về phát huy truyền thống, nhất là tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, sự cống hiến, tâm huyết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ từ Trung ương tới cơ sở để vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ của 2 dự án.

Bài học về khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong xây dựng 2 dự án và chuyển đổi tư duy trong thực hiện các mặt công tác từ thủ công sang ứng dụng công nghệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài học về quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm việc sử dụng kinh phí theo đúng quy định, thể hiện qua việc thực hiện nguyên tắc làm đến đâu kiểm toán đến đó, đồng thời lồng ghép triệt để các nhiệm vụ, góp phần tiết kiệm kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.

Theo: baochinhphu.vn

Các tin tức khác

news4
Hà Giang thực hiện chuyển đổi số từ thay đổi nhận thức
Xem chi tiết
news4
COVID-19 đẩy mạnh chuyển đổi số của các chính phủ trên thế giới như thế nào?
Xem chi tiết
news4
Tổng quan hoạt động chuyển đổi số năm 2022 trong Hạ tầng số
Xem chi tiết